Khi còn là một đứa trẻ, bạn đã từng "tấn công" bố mẹ mình bằng những câu hỏi "vì sao, tại sao" chưa? Chắc là nhiều rồi đúng không.
Và bạn có nhận ra rằng, càng lớn thì hình như con người ta lại càng ít hỏi "vì sao, tại sao" không? Là do chúng ta đã biết nhiều thứ hơn, vì chúng ta không có nhiều thời gian, hay là do chúng ta đã dần chấp nhận những sự thật hiển nhiên xung quanh mình, mà ít khi quan tâm "vì sao thế nhỉ?". Chúng ta không quan tâm đến việc làm sao một chiếc tv được hình thành, chúng ta chỉ bật lên và xem thôi. Chúng ta không giải nghĩa đến tận cùng vì sao mình vui hay buồn, chúng ta chỉ cảm thấy những cảm xúc ấy, và thể hiện nó bằng cách này hay cách khác.
Giống như việc phân tích "root cause" (nguyên nhân gốc rễ) khi giải quyết vấn đề trong công việc, việc hiểu tường tận sâu xa một sự vật sự việc, hay giải nghĩa được cả những cảm xúc cá nhân, giúp mình rất nhiều trong việc phân tích, nhìn nhận, đánh giá vấn đề; và đôi khi là có cách làm mới nghĩ mới cho những vấn đề đã quá cũ.
Mình đặc biệt yêu thích "công thức" và mình tin rằng mọi thứ trên đời đều có công thức cả :)) Ví dụ như suy nghĩ là 1 kĩ năng cơ bản của con người, nhưng với nền giáo dục Việt Nam mà mình đã trải qua thì có rất ít nơi dạy chúng ta cách nghĩ
hay phương pháp nghĩ
. Trong khi đó, để giải đáp cho câu hỏi đơn giản "Vì sao thế nhỉ" lại có hẳn 1 phương pháp cho nó - First Principles Thinking - Tư duy nguyên bản.
Mình biết đến First Principles Thinking qua Elon Musk. Đây chính là phương pháp mà ông đã sử dụng để bắt đầu ý tưởng tạo ra SpaceX.
Năm 2002, Elon Musk bắt đầu hành trình phóng tên lửa đầu tiên lên sao Hỏa. Sau khi đến thăm một số nhà sản xuất hàng không vũ trụ trên thế giới, Musk phát hiện ra chi phí để mua một tên lửa là vô cùng lớn - lên tới 65 triệu USD. Không giống người bình thường chấp nhận giá trên trời (và kêu ca), ngay lập tức, Musk tiếp cận lại vấn đề từ khuôn khổ vật lý, áp dụng First Principles Thinking phân tích xem tên lửa được làm bằng gì (Aerospace-grade aluminum alloys, titanium, copper, carbon fiber,...) và kiểm tra xem giá trị của những vật liệu đó trên thị trường là bao nhiêu. Hóa ra chi phí vật liệu chỉ bằng khoảng 2% so với giá trị thông thường của một chiếc tên lửa. Thay vì mua một tên lửa thành phẩm với giá hàng chục triệu, Musk quyết định thành lập công ty của riêng mình, mua nguyên liệu thô với giá rẻ và tự chế tạo tên lửa. SpaceX ra đời.
Gì chứ với những khoản sáng tạo hay tự mình thay đổi thế giới chứ không kêu ca thì vẫn cứ là hâm mộ thần tượng.
Sẽ rất dễ dàng để chúng ta giải thích hoặc phân tích các sự việc bằng phép loại suy (Suy luận loại suy xuất phát từ sự giống nhau có thực của hai đối tượng đó, để đưa ra kết luận), vì nó dễ dàng liên hệ với những thứ tương tự đã có sẵn mà mình đã biết. Một ví dụ của phép loại suy cơ bản:
- Trái Đất là một hành tinh có lớp khí bao bọc, có nước
- và: Sao hỏa cũng là hành tinh, cũng có lớp khí quyển
- Kết luận: Vậy Sao hỏa cũng có (hoặc có thể có) nước.
Tuy nhiên, khi phân tích bằng phép loại suy, dựa trên sự giống nhau hoặc những sự vật sự việc đã có sẵn thì chúng ta cũng dễ dàng rơi vào tư duy lối mòn, hay chỉ hiểu vấn đề ở tầng nông.
Còn Tư duy nguyên bản (First Principles Thinking) là phương pháp nghĩ dựa trên căn nguyên, gốc rễ của vấn đề - giúp chúng ta bóc tách vấn đề thành các sự thật/ thành tố không thể nhỏ hơn, từ đó giúp ta hiểu rõ bản chất, áp dụng để giải quyết các vấn đề phức tạp cũng như đề xuất các giải pháp mới một cách độc lập.
Nghe triết không =))
Nói cách khác, Tư duy nguyên bản là cách tốt nhất để có thể "tái tạo" lại một vấn đề từ nguyên bản, và đưa ra những hướng giải quyết mới một cách sáng tạo hơn. Chúng ta sẽ bắt đầu hình dung những “viên gạch” đầu tiên tạo ra vấn đề mà ta gặp phải và “xây” chúng. Bằng cách này, chúng ta khai thác được tốt hơn quá trình hình thành nên vấn đề.
Podcast "Vì sao thế nhỉ?" - 1 podcast dựa trên Tư duy nguyên bản đã có 1 ví dụ rất đơn giản để giải thích một cách thực tế cho điều này. Xung quanh bạn thường có 2 kiểu người: dog person & cat person. Có thể các bạn nuôi mèo vì bạn thích mèo, hoặc vì mọi người xung quanh cũng nuôi mèo, hay đơn giản hơn là vì bạn được tặng 1 em mèo. Tuy nhiên, đã bao giờ bạn tự hỏi là vì sao con người lại thích mèo chưa?
Đối với con người, hạnh phúc là trạng thái nhân tạo. Nhưng với mèo, hạnh phúc là tự nhiên, trừ khi mèo bị giam cầm trong môi trường phi tự nhiên, còn ko thì mèo sẽ ko bao giờ cảm thấy buồn chán. Mèo hạnh phúc khi được là chính mình, trong khi con người là giống loài luôn lùng sục những điều kích thích tiếp theo và khó có thể ngồi yên.
Có 1 thí nghiệm là cho 1 nhóm người vào 1 căn phòng kín 15p với 1 cái nút và tờ note là “Ko được bấm nút ko thì sẽ bị điện giật”. Thay vì dành thời gian đó để tận hưởng, ngẫm nghĩ thì một số người lại ko thể chịu được và sẽ bấm nút chỉ để có cái gì đó để làm, mặc dù trước khi tham gia thí nghiệm họ đã được thử cường độ điện giật và khẳng định là dù có cho tiền cũng ko muốn bị giật nữa.
Còn mèo thì khác. Mèo có thể ngồi bình yên bên hiên nhà, nhìn vào khoảng ko vô hạn và ko có khái niệm thời gian. Chúng ko quan tâm đến biến thiên cuộc sống, do đó mèo ko gặp khó khăn trong việc cảm thấy hạnh phúc. Mèo có hạnh phúc tự thân. - Vào thời khắc vuốt ve mèo, con người có thể thấy nhẹ bẫng và thoát khỏi suy nghĩ, tức là thoát được khỏi trạng thái làm người và có hạnh phúc như trạng thái tự nhiên của mèo.
Như bạn thấy đấy, một sự việc tưởng chừng như rất trừu tượng như "vì sao tôi thích mèo" lại có thể được giải thích một cách đơn giản và khoa học nhờ First principles thinking - Tư duy nguyên bản.
Ok nghe thì hay đấy, vậy trong thực tế, chúng ta có thể áp dụng First Principles Thinking để làm gì?
Hiểu
Áp dụng Tư duy nguyên bản cho phép mình hiểu sâu xa gốc rễ của sự vật sự việc, giải nghĩa được những khúc mắc ẩn sâu, để từ đó hiểu cặn kẽ vấn đề hay thậm chí là chính bản thân mình.
Ví dụ như mình rất thích lái xe, mình đã thử phân tích xem vì sao mình thích lái xe, thì đó là vì mình thích cảm giác tự do, nhưng cũng lại muốn chính mình làm chủ cuộc chơi và tự mình tạo ra vùng an toàn cho bản thân.
Khi bạn áp dụng tư duy này để phân tích chính mình, rất có thể bạn sẽ tìm thấy căn nguyên sâu xa cho một nét tính cách hoặc cảm xúc nào đó của bản thân bắt nguồn từ một sự việc trong quá khứ, dẫn đến bạn của hiện tại. Bạn có thể dùng nó để hiểu chính bản thân mình hơn, hiểu vì sao mình lại có suy nghĩ hay cảm xúc như vậy, và biết đâu đó lại có thể tự chữa lành cho chính mình.
Đổi mới, sáng tạo
Một khi mình đã hiểu ngọn ngành từng yếu tố, từng thành tố của vấn đề - giống như đã tách được bộ lego ra thành từng mảnh ghép nhỏ thì mình hoàn toàn có thể sắp xếp lại để làm ra 1 ý tưởng hoặc sản phẩm hoàn toàn mới.
Ví dụ: bao lâu nay các sản phẩm SaaS thường yêu cầu khách tạo tài khoản >> free trial/ freemium sau đó upgrade. Nhưng khi ta tập trung vào kết quả cuối là sản phẩm mà khách hàng sử dụng (ví dụ như sản phẩm khách ShopBase sử dụng là 1 website) thì...hmm liệu có cần thiết phải tạo tài khoản không? Liệu có luồng nào hiệu quả hơn ko, ví dụ như cho khách xem trước website, hài lòng rồi mới tạo tài khoản chẳng hạn.
Hoặc lấy 1 ví dụ gần gũi với đa số mọi người hơn là mạng xã hội. Facebook tiếp cận người dùng dựa trên nguyên lý "network" - mạng lưới những mối quan hệ, những mối quan tâm của mỗi cá nhân. Và cách tiếp cận này kéo dài hơn chục năm kể từ khi Facebook ra đời, cho đến tận khi Tiktok phát triển, thì Tiktok lại định nghĩa lại khái niệm "mạng lưới". Mạng xã hội giờ đây không nhất thiết là chỉ cập nhật từ bạn bè, từ những gì mình quan tâm. Mạng xã hội mà Tiktok tạo ra giúp bạn cập nhật nội dung từ bất kì ai, bất kì đâu - nó khiến cho vòng tròn nội dung bạn tiếp nhận đa dạng hơn rất nhiều, và tất nhiên là vẫn rất liên quan đến những gì bạn yêu thích.
Tối ưu, tích hợp
Vì đã bóc tách được bộ lego ra thành từng mảnh ghép nhỏ nên mình hoàn toàn có thể tối ưu từng mảnh ghép đó, rồi ráp lại để thử nghiệm xem kết quả cuối liệu có tốt hơn. Đồng thời, khi bạn đã hiểu rõ từng mảnh lego thì sẽ rất dễ dàng để bạn thêm những yếu tố mới vào bộ lego đó để tạo ra những mảng màu mới đặc sắc hơn.
Ví dụ gần đây đang sốt lên thông tin các ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể thay thế con người. Thì thật ra mình nghĩ là nếu chúng ta ko tự tối ưu/ upgrade, bất kì cái gì cũng có thể thay thế chúng ta, thay thế nghề mà chúng ta đang làm chứ đừng nói là trí tuệ nhân tạo :)) Laptop ra đời khiến cho máy đánh chữ đi vào dĩ vãng (xa hơn là nghề đánh máy). Lưu trữ đám mây (cloud storage) ra đời khiến cho nhu cầu sử dụng usb, ổ cứng ngày một ít đi. VETC đưa vào vận hành cũng khiến rất nhiều người mất việc, phải tìm cách đổi mới.
Vậy câu hỏi là làm thế nào để bản thân mình luôn phát triển, để luôn là mình dùng nó - chứ ko để nó dùng mình?
- Làm sao để mình xài tiền, chứ tiền ko xài mình
- Làm sao để mình xài ChatGPT, chứ công ty ko dùng ChatGPT để thay thế luôn công việc của mình =))
Thì với mình, Tư duy nguyên bản là một trong những cách hiệu quả để hiểu, phân tích và phát triển.
--
Vậy cuối cùng, làm sao để áp dụng First Principles Thinking?
Mình cũng đã nghiên cứu khá nhiều tài liệu để giải mã công thức, nhưng chung kết lại, công thức dễ nhất đối với mình lại chính là định nghĩa của phương pháp này (mà mình đã tự định nghĩa phía trên).
Tư duy nguyên bản (First Principles Thinking) là phương pháp nghĩ dựa trên căn nguyên, gốc rễ của vấn đề - giúp chúng ta bóc tách vấn đề thành các sự thật/ thành tố không thể nhỏ hơn, từ đó giúp ta hiểu rõ bản chất, áp dụng để giải quyết các vấn đề phức tạp cũng như đề xuất các giải pháp mới một cách độc lập.
Đơn giản chỉ là ngồi bóc tách một bộ lego đã thành hình, thành từng mảnh ghép nhỏ đến khi không thể nhỏ hơn được nữa - nhìn ngắm, phân tích và tạo mới.
Người thành công có lối nghĩ riêng, còn mình thì tuyệt vời hơn cả là luôn được học! :P